Hàng loạt dự án phát triển giao thông từ nguồn vốn đầu tư công mở ra triển vọng bứt phá cho tỉnh Bình Dương sau đại dịch Covid-19. Thị trường bất động sản cũng háo hức đón đầu làn sóng đầu tư này.

Bình Dương đang đầu tư nhiều dự án giao thông trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng làm nền tảng phát triển kinh tế

Dòng vốn khổng lồ xây dựng hạ tầng

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, vốn ngân sách của tỉnh Bình Dương dành cho đầu tư công lên đến 50.000 tỉ đồng; ngân sách trung ương bố trí hơn 2.581 tỉ đồng. Riêng năm 2022, Bình Dương dự kiến bố trí trên 8.579 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện 113 dự án.

Song song với kế hoạch nói trên, Bình Dương cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch sẽ được đồng loạt đầu tư, nâng cấp như quốc lộ 13, quốc lộ 14, quốc lộ 14C, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn, đường ĐT 741, ĐT 743, ĐT 744, ĐT 746, ĐT 747; đường tạo lực Tân Uyên – Phú Giáo – Đồng Xoài, đường Phú Giáo – Đồng Phú, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, cầu Bạch Đằng 2…

Ngoài ra, Bình Dương còn đang kiến nghị Chính phủ cho nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt từ khu công nghiệp Bàu Bàng đến cảng quốc tế Thị Vải và kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến thành phố Dĩ An…

Đây là những tuyến giao thông huyết mạch không chỉ của Bình Dương và xuyên suốt từ Tây nguyên xuống vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi hoàn thành, hệ thống giao thông này sẽ giúp Bình Dương giữ vững vị thế dẫn đầu về phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư và làm bàn đạp phục hồi kinh tế – xã hội. Đây cũng là định hướng phát triển mà Bình Dương theo đuổi nhằm dịch chuyển sản xuất công nghiệp lên khu vực phía Bắc như Phú Giáo, Tân Uyên, Bàu Bàng…

Một khu công nghiệp hiện đại có nhiều nhà máy của nước ngoài trên địa bàn Bến Cát

Bên cạnh giao thông liên kết vùng, các tuyến giao thông đối nội cũng đang được Bình Dương đầu tư khá tốt. Điển hình như xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng, đường Tân Long – Lai Uyên, đường Thủ Biên – Đất Cuốc, ĐH 501, ĐH 502, ĐH 503, ĐH 506, ĐH 508, ĐH 520… Các tuyến đường quan trọng này sẽ giúp liên kết thuận lợi các vùng sản xuất công nghiệp của Bình Dương. Như vậy, tương lai Bình Dương sẽ sở hữu hệ thống giao thông đối ngoại và đối nội hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa thông suốt và là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình đô thị hóa trên diện rộng.

Nguồn: thanhnien.vn

Cập nhật tiến độ dự án Center City 3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *